Giải đáp thắc mắc lần đầu mang thai: 3 tháng đầu nên đi siêu âm mấy lần? Ý nghĩa và các phương pháp siêu âm phù hợp với từng lần khám thai


Thông qua việc siêu âm, mẹ sẽ nắm được tình trạng sức khỏe và sự phát triển của con theo từng giai đoạn. Do đó, các mẹ bầu thường có rất nhiều băn khoăn, thắc mắc liệu 3 tháng đầu nên đi siêu âm mấy lần và đâu là các phương pháp siêu âm cần thực hiện. Những thắc mắc này sẽ được Phòng khám đa khoa Minh Tâm giải đáp trong bài viết dưới đây.

I. Tần suất siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ

Siêu âm định kỳ trong 3 tháng đầu thai kỳ là một trong những kiểm tra quan trọng nhằm giúp mẹ bầu:

  • Đảm bảo mình đã mang thai và xác định vị trí thai nằm trong tử cung hay ngoài tử cung
  • Xác định số lượng thai là đơn thai hay đa thai và kích thước túi thai
  • Xác định tuổi của thai để dự kiến ngày sinh
  • Nhìn thấy được sự lớn dần của thai nhi
  • Chẩn đoán nguy cơ dị tật bẩm sinh sớm như hội chứng Down, Patau, Trisomy 18,… Việc phát hiện sớm sự bất thường ở thai nhi giúp mẹ và bác sĩ lường trước nguy cơ, từ đó có hướng can thiệp kịp thời.

Qua đó có thể thấy, siêu âm là kỹ thuật phổ biến để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng biết khi nào nên đi siêu âm. Đây là 3 mốc siêu âm thai quan trọng trong 3 tháng đầu mà mẹ bầu cần lưu ý:

  • Tuần thứ 5 – 6: Vào thời điểm này, người mẹ cần thực hiện siêu âm để khẳng định xem mình đã mang thai hay chưa và giúp ước tính ngày thụ thai dễ dàng và chính xác, từ đó xác định ngày dự sinh cụ thể hơn. Đồng thời, bác sĩ sẽ xác định chính xác vị trí của phôi thai để loại trừ trường hợp mang thai ngoài tử cung. Đây cũng là lúc phôi thai được hình thành và sẽ được bác sĩ kiểm tra số lượng phôi thai trong cơ thể mẹ bầu.
  • Tuần thứ 8: Nếu lần đầu tiên siêu âm mà vẫn chưa thấy rõ phôi thai hay tim thai thì mẹ bầu cần tái siêu âm trong giai đoạn này. Về cơ bản, lần siêu âm ở mốc thời gian này được thực hiện khá giống lần siêu âm lúc thai 5-6 tuần tuổi nhưng bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát hơn. Bên cạnh tìm hiểu các vấn đề về phôi thai, bác sĩ cũng tư vấn về chế độ dinh dưỡng hoặc bổ sung thuốc dưỡng thai cho mẹ bầu.
  • Tuần thứ 11 – 13: Các biểu hiện dị tật thai nhi sẽ được quan sát rõ ở tuần thứ 11 – 13, do đó mẹ bầu cần đi khám thai trong giai đoạn này để được bác sĩ kiểm tra xem liệu thai nhi có đang phát triển bình thường không. Mẹ nên kết hợp thêm xét nghiệm Double test để tầm soát sớm dị tật ở thai nhi.

>> Xem thêm: Khám thai 12 tuần có thể phát hiện dị tật và tính ngày dự sinh không?

II. Siêu âm nhiều lần trong 3 tháng đầu thai kỳ có hại không?

giai-dap-thac-mac-lan-dau-mang-thai-3-thang-dau-nen-di-sieu-am-may-lan-y-nghia-va-cac-phuong-phap-sieu-am-phu-hop-voi-tung-lan-kham-thai-1
Siêu âm nhiều lần trong 3 tháng đầu thai kỳ có hại cho mẹ và thai nhi hay không?

Nhiều phụ nữ mang thai vì muốn ngắm con, theo dõi sự phát triển của em bé nên đã lạm dụng việc siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra siêu âm quá nhiều lần sẽ có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, khi mẹ bầu siêu âm liên tục có thể suy nghĩ nhiều vì những áp lực chỉ số thai nhi. Mẹ sẽ phát sinh những lo lắng liệu em bé sinh ra có phát triển khỏe mạnh như những đứa bé khác hay không. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của mẹ và sự phát triển của bé.

III. Các phương pháp siêu âm phù hợp cho từng mốc khám thai

Ngoài việc tìm hiểu về vấn đề 3 tháng đầu nên đi siêu âm mấy lần, mẹ bầu cũng cần nắm được các phương pháp siêu âm phù hợp với từng lần khám thai để đảm bảo tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

giai-dap-thac-mac-lan-dau-mang-thai-3-thang-dau-nen-di-sieu-am-may-lan-y-nghia-va-cac-phuong-phap-sieu-am-phu-hop-voi-tung-lan-kham-thai-2
Ý nghĩa và các phương pháp siêu âm phù hợp với từng lần khám thai

1. Siêu âm đầu dò

Phương pháp siêu âm đầu dò có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những bất thường ở tử cung, buồng trứng, vòi trứng, đánh giá tình hình rụng trứng và độ dày niêm mạc tử cung. Ngoài ra, siêu âm đầu dò có tác dụng xác định người mẹ đã mang thai bao nhiêu tuần và phát hiện các vấn đề bất thường của thai nhi.

Thai nhi 3 tuần tuổi trở xuống đang trong giai đoạn hình thành và chưa có hình hài nhất định nên mẹ bầu sẽ không thấy được hình ảnh thai nhi thông qua siêu âm. Do đó, thực hiện phương pháp này khi thai nhi 3 tuần tuổi sẽ quá sớm và đem lại kết quả thiếu chính xác.

Thời điểm thích hợp để áp dụng siêu âm đầu dò nên là khi thai được 4-5 tuần. Lúc này, tuy kích thước thai nhỏ nhưng phôi thai đã hoàn chỉnh nên mẹ bầu có thể nhìn thấy được em bé trên hình ảnh siêu âm. Dựa vào kết quả, bác sĩ có thể xác định sự phát triển của bé và tầm soát sự bất thường ở thai nhi để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

2. Siêu âm 2D, 5D

Siêu âm 2D cho phép mẹ bầu nhìn thấy được hình ảnh thai nhi với 2 màu trắng, đen. Vào đầu thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp này để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra xem mẹ bầu có mang thai hay không, và phát hiện dị tật bẩm sinh. Mẹ bầu nên thực hiện siêu âm 2D vào tuần thứ 5-7 của thai kỳ. 

Khác với siêu âm 2D, thời điểm áp dụng phương pháp siêu âm 5D là từ tuần 12 của giai đoạn đầu thai kỳ. Siêu âm 5D giúp mẹ bầu quan sát chuyển động của thai nhi một cách rõ nét và chân thật nhất với hình thái, cử chỉ biểu cảm của thai nhi trong bụng mẹ. Đặc biệt, bác sĩ có thể phát hiện sớm dị tật ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ dựa trên việc đánh giá cấu trúc tim, tìm kiếm các rối loạn tiềm ẩn trong máu của thai nhi. 

giai-dap-thac-mac-lan-dau-mang-thai-3-thang-dau-nen-di-sieu-am-may-lan-y-nghia-va-cac-phuong-phap-sieu-am-phu-hop-voi-tung-lan-kham-thai-3
Thực hiện phương pháp siêu âm 2D và 5D để theo dõi sự phát triển và phát hiện các bất thường của thai nhi.

3. Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler thai giúp đo lưu lượng máu ở các bộ phận của cơ thể thai nhi như dây rốn, não, tim thai. Chính vì thế, khả năng hấp thụ đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết của bé sẽ được xác định cụ thể. Bác sĩ có thể chẩn đoán thể trạng và sự phát triển của thai nhi bằng cách quan sát và đánh giá dòng chảy của máu thông qua động mạch và tĩnh mạch. Ngoài ra, siêu âm Doppler giúp sàng lọc một số bệnh lý và dị tật của thai nhi nhằm đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. 

Mẹ bầu cần thực hiện siêu âm Doppler ở lần khám thai định kỳ, kiểm tra sức khỏe mẹ và thai nhi vào 3 tháng cuối thai kỳ. Đối với mẹ bầu mắc bệnh lý về tim, thận không nên bỏ qua phương pháp này.

4. Siêu âm tim thai

Siêu âm tim thai là phương pháp được tiến hành nhằm đánh giá về nhịp tim, chức năng và cấu trúc của tim., từ đó giúp phát hiện tim bẩm sinh ở thai nhi và có cách điều trị ngay từ sớm. 

Thời điểm xuất hiện tim thai là ở tuần thứ 6-7 và đây cũng là lúc mẹ bầu cần siêu âm tim thai. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ xuất hiện tim thai, tim của thai nhi chưa có hình dáng cụ thể nhưng đến tuần thứ 20, tim thai mới phát triển tương đối hoàn chỉnh và nhịp tim đập mạnh hơn.

Tìm hiểu về vấn đề 3 tháng đầu nên đi siêu âm mấy lần là rất quan trọng để mẹ có thể trang bị kiến thức về việc theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe. Việc đi khám thai định kỳ và đúng phương pháp siêu âm sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro và đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé. Vì vậy, các mẹ hãy luôn đặt sự quan tâm cho sức khỏe của mình và thai nhi tại Phòng khám đa khoa Minh Tâm và tham khảo các gói siêu âm thai tại đây nhé!