Hiện tượng dư ối có nguy hiểm không? Cách phòng tránh dư ối khi mang thai?
Dư ối thai kỳ là tình trạng hiếm gặp, chiếm khoảng 1% các trường hợp mang thai. Tuy nhiên, thai kỳ dư nước ối có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho cả người mẹ và thai nhi. Vậy dư nước ối có nguy hiểm không? Và cách phòng tránh ra sao? Cùng tìm hiểu nhé!
I. Dư ối là gì?
Nước ối là chất lỏng trong suốt, được tạo ra khoảng ngày thứ 12 sau khi trứng thụ tinh. Nước ối bao quanh thai nhi, giúp bé tránh khỏi những chấn thương khi còn trong bụng mẹ, như sự chèn ép quá mức của tử cung hay sự xâm nhập của vi khuẩn. Bên cạnh đó, nước ối còn là “kênh” cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng để bé phát triển và tăng kích thước.
Thể tích nước ối sẽ tăng dần theo độ lớn của thai nhi. Cụ thể như sau:
- Thai nhi từ 16 – 32 tuần tuổi: 250 – 600ml nước ối.
- Thai 34 tuần tuổi: 800ml nước ối.
- Thai 36 tuần tuổi: 1000ml nước ối.
- Giai đoạn gần sinh, lượng nước ối sẽ giảm xuống mức bình thường, khoảng 600 – 800ml.
Như vậy, dư nước ối là hiện tượng thể tích nước ối bao quanh thai nhi vượt qua ngưỡng bình thường. Dư nước ối có thể nhận biết qua một số dấu hiệu dưới đây:
- Bụng mẹ to hơn so với tuổi thai.
- Khó nghe được nhịp đập của tim thai.
- Số đo vòng bụng lớn hơn 100cm, bụng căng, khó thở, ăn uống khó tiêu, thậm chí hô hấp cũng khó khăn hơn.
- Tĩnh mạch bị giãn, gây nguy cơ mắc trĩ khi mang thai.
Thông thường, sản phụ sẽ bị dư ối ở tuần 30, tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị dư nước ối ở tuần 20 của thai kỳ. Trên thực tế, dư nước ối là tình trạng hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 1% các bà mẹ khi mang thai. Nếu dư nước ối nghiêm trọng, cả mẹ và bé có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm.
>>> Xem thêm: Những thói quen xấu của mẹ bầu trong 3 tháng đầu khiến nước ối có vấn đề, ảnh hưởng cả mẹ lẫn con
II. Nguyên nhân dư ối khi mang thai mẹ nên biết
Sự cân bằng giữa hoạt động sản sinh và hấp thụ nước ối phụ thuộc rất lớn vào thai nhi. Nước ối hình thành do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch từ phổi của thai nhi. Sau đó, thai nhi nuốt chất lỏng và tái hấp thu, giúp cân bằng nước nước ối trong bụng mẹ. Tuy nhiên, đôi khi quá trình này gặp trục trặc, thai nhi tạo ra quá nhiều nước tiểu hoặc không nuốt đủ sẽ dẫn đến quá nhiều nước ối trong tử cung và hiện tượng dư ối sẽ xảy ra.
Dưới đây là các yếu tố có liên quan đến dư nước ối khi mang thai:
1. Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường
Có khoảng 10% thai phụ mắc đái tháo đường có biểu hiện dư nước ối khi mang thai. Cách duy nhất để cân bằng lượng nước ối đó là mẹ cần kiểm soát tốt lượng đường huyết của mình thông qua các thực phẩm hàng ngày.
2. Mang đa thai
Bà mẹ mang đa thai (sinh đôi, sinh ba) có nguy cơ bị dư nước ối cao hơn so với sinh một. Nguyên nhân là do sự trao đổi chất giữa các bào thai không được cân bằng, khiến có bào thai dư ối, trong khi bào thai khác có rất ít nước ối.
3. Trẻ bị dị tật bẩm sinh
Thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh như não úng thủy, hẹp môn vị, sứt môi,… sẽ ngừng nuốt nước ối, trong khi quá trình bài tiết ở thận vẫn tiếp tục. Điều này dẫn đến tình trạng dư nước ối khi mang thai.
4. Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trẻ, dư nước ối còn có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như suy tim, chứng truyền máu song sinh, nhiễm trùng bẩm sinh, bất thường về đường tiêu hóa khiến bé không nuốt nước ối,…
III. Dư ối có ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi không?
Hiện tượng dư nước ối xuất hiện trong thai kỳ càng sớm và thể tích dịch ối càng nhiều thì nguy cơ biến chứng nặng càng cao. Những nguy cơ sức khỏe này tác động đến cả mẹ và thai nhi. Thông thường, biến chứng của dư ối sẽ được phân ra thành 2 loại sau:
- Dư nước ối cấp: Tình trạng này thường xuất hiện ở tuần thứ 16 – 20 của thai kỳ. Nó gây tình trạng chuyển dạ sớm, thậm chí xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dẫn đến việc phải chấm dứt thai kỳ như vỡ ối sớm, bong nhau thai,…
- Dư nước ối mạn: Khác với dư ối cấp, hiện tượng dư nước ối mạn thường xảy ra vào những tháng cuối của thai kỳ. Thời điểm đầu, sản phụ bị dư nuốc ối mạn thường không đau và khó thở nhiều như dư nước ối cấp. Tuy nhiên, khi đến 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ sẽ cảm nhận rõ cảm giác khó thở, nặng bụng và tim đập nhanh do ảnh hưởng của dư nước ối. Với thai nhi, bé có thể mắc các dị tật bẩm sinh, quá trình tăng trưởng và phát triển bị hạn chế hay như dây rốn bị kẹt vào thai gây cản trở quá trình cung cấp oxy, thậm chí là thai chết lưu.
>>> Xem thêm: Rỉ ối 3 tháng đầu là hiện tượng gì? Có ảnh hưởng nguy hiểm đến mẹ và bé không?
IV. Mẹ bầu cần làm gì khi bị dư ối?
Để phát hiện dư ối thai kỳ, bác sĩ sẽ có thể cho mẹ làm siêu âm, kiểm tra glucose (nhằm xác định bệnh tiểu đường), đo nhịp tim thai hay chọc dò nước ối. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh lý, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhằm giảm thể tích nước ối xuống mức hợp lý.
- Nếu mẹ chỉ bị nhẹ, bạn nên đi khám thai định kỳ để theo dõi tình hình. Đồng thời đảm bảo nghỉ ngơi tuyệt đối, chỉ nằm trên giường để ngăn ngừa sinh non.
- Nếu dư nước ối nặng mà nguyên nhân là do tim thai, bác sĩ có thể chỉ định sản phụ dùng thuốc điều chỉnh tim thai. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy bớt nước ối khỏi tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây biến chứng. Vì vậy, thường chỉ được áp dụng khi nguy hiểm dư ối lớn hơn nguy hiểm của việc tháo nước ối. Ngoài ra, với mẹ bị dư nước ối từ tuần thứ 37 của thai kỳ, bác sĩ có thể khuyên mẹ nên sinh sớm để tránh biến chứng.
V. Cách phòng tránh dư ối khi mang thai
Ngoài việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, để ngăn ngừa hiện tượng dư ối khi mang thai, mẹ bầu nên tiết chế nước lượng dung nạp vào cơ thể ở mức vừa đủ để cân bằng thể tích nước ối trong tử cung. Dưới đây là một số lưu ý mẹ cần biết khi chăm sóc thai kỳ:
- Mỗi ngày mẹ chỉ nên uống khoảng 1.5 lít nước.
- Hạn chế ăn các loại rau củ mọng nước như đậu bắp, măng tây, cà chua, dưa chuột, củ cải, cần tây,… Các món ăn từ rau củ nên nên luộc, hấp hoặc xào, hạn chế nấu thành canh.
- Tương tự như vậy, với các loại trái cây, mẹ nên hạn chế ăn các loại quả như cam, quýt, dưa hấu, nho, táo, lê, dứa,… Thay vào đó nên chọn trái cây nhiều chất xơ và ít nước, chẳng hạn như chuối.
- Không nên ăn quá nhiều gia vị vào đồ ăn: muối, đường, dầu mỡ.
- Nên bổ sung thêm canxi, Omega 3 từ cá, cua, tôm để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
- Khám thai đều đặn, làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh theo chỉ định bác sĩ.
Bà bầu dư ối là trường hợp hiếm gặp và ít biến chứng. Vì vậy, bạn chỉ cần đi khám định kỳ và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh là có thể an tâm đón con yêu chào đời!
10 Bình luận
Em mang thai tuần 34, kết quả siêu âm kết luận dư nước ối. Bác sĩ cho em hỏi cần ăn uống như thế nào ạ?
Dư ối tuần 35 – 36 là điều đáng lo ngại, gây nguy cơ sinh non do bụng lớn nhanh, tác động đến khả năng chịu đựng của cổ tử cung. Vì vậy, trong giai đoạn này, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Mỗi ngày mẹ chỉ nên uống khoảng 1.5 lít nước.
Hạn chế ăn các loại rau củ mọng nước như đậu bắp, măng tây, cà chua, dưa chuột, củ cải, cần tây,… Các món ăn từ rau củ nên nên luộc, hấp hoặc xào, hạn chế nấu thành canh.
Tương tự như vậy, với các loại trái cây, mẹ nên hạn chế ăn các loại quả như cam, quýt, dưa hấu, nho, táo, lê, dứa,… Thay vào đó nên chọn trái cây nhiều chất xơ và ít nước, chẳng hạn như chuối.
Không nên ăn quá nhiều gia vị vào đồ ăn: muối, đường, dầu mỡ.
Nên bổ sung thêm canxi, Omega 3 từ cá, cua, tôm để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Thưa bác sĩ, em mang thai 22 tuần, siêu âm bác sĩ kết luận dư nước ối. Các chỉ số thia bình thường. Xin hỏi như vậy có nguy hiểm không?
Chào bạn, ở tuần thai thứ 22, thể tích nước ối thường nhiều hơn so với trọng lượng thai. Dư ối thường ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, điều quan trọng là quan sát không thấy bất thường về hình thái thai nhi là được. Bạn chỉ cần ăn uống nghỉ ngơi bình thường và theo dõi chỉ số ối mỗi 2 – 4 tuần là được.
Nguyên nhân dư ối là gì thưa bác sĩ?
Dưới đây là các yếu tố có liên quan đến dư ối khi mang thai:
– Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường
– Mang đa thai
– Trẻ bị dị tật bẩm sinh
– Nhiễm trùng bẩm sinh
– Bất thường về đường tiêu hóa khiến bé không nuốt nước ối.
Cần làm xét nghiệm gì để biết có bị dư ối không ạ?
Để phát hiện dư ối thai kỳ, bác sĩ sẽ có thể cho mẹ làm siêu âm, kiểm tra glucose (nhằm xác định bệnh tiểu đường), đo nhịp tim thai hay chọc dò nước ối. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh lý, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, nhằm giảm thể tích nước ối xuống mức hợp lý.
Nhận biết hiện tượng dư ối qua những triệu chứng nào?
Dư nước ối có thể nhận biết qua một số dấu hiệu dưới đây:
– Bụng mẹ to hơn so với tuổi thai.
– Khó nghe được nhịp đập của tim thai.
– Số đo vòng bụng lớn hơn 100cm, bụng căng, khó thở, ăn uống khó tiêu, thậm chí hô hấp cũng khó khăn hơn.
– Tĩnh mạch bị giãn, gây nguy cơ mắc trĩ khi mang thai.